Phương Thúy
Ngoại trừ sinh tử, tất cả mọi thứ đều là tầm thường.
Trong cuộc sống, con người sẽ luôn gặp phải những khó khăn vất vả khác nhau, một số đến từ tình cảm gia đình, một số lại đến từ công việc và sự nghiệp. Hầu hết những vướng mắc đều không thể tách rời hai nguyên do này, và chúng sẽ trở thành trải nghiệm chính trong nhân sinh của chúng ta.
Thế nhưng, câu chuyện “Ba tách trà” này lại khiến chúng ta phải suy ngẫm về tầm quan trọng của những giá trị khác vẫn luôn tồn tại và mang dấu ấn riêng.
Nhân vật chính trong “Three Cups of Tea” là Greg Mortenson, một người Mỹ cao to, ngoài vai trò là một nhân viên y tế, anh còn là một vận động viên leo núi cừ khôi. Trong nghề này, nguy hiểm và vinh quang cùng tồn tại song hành với nhau. Chỉ những người đủ dũng cảm mới tham gia.
Ước mơ lớn nhất của Greg Mortenson là chinh phục đỉnh Chogori. Anh luôn đeo trên cổ chiếc vòng của cô em gái đã mất của mình. Cô bé bị viêm màng não khi mới 3 tuổi, từ đó về sau chưa có một ngày khỏe mạnh. Từ sau khi em gái qua đời, anh đã quyết định thay cô bé leo núi để nhìn ngắm thế gian hùng vĩ.
Khi cùng đồng đội leo lên Chogori, Greg Mortenson có hình thể khá lớn nên anh luôn được giao phó nhiều hành lý nhất, luôn di chuyển nặng nhọc và chậm chạp phía sau cùng.
Trong một chuyến hành trình kéo dài hơn 70 ngày trên núi, cả đoàn chỉ còn cách đỉnh Chogori 600 mét, Greg Mortenson chỉ muốn trở về căn cứ để ngủ một giấc sau chuyến tiếp tế suốt 96 giờ. Trước khi đi ngủ, anh lại nhìn thấy tín hiệu cứu nạn của đồng đội phía trước từ kính viễn vọng.
Vậy là, đoàn của Greg Mortenson chỉ nghỉ ngơi hai tiếng, sau đó lại tiếp tục lên đường với trang bị trên lưng. Sau 72 tiếng đồng hồ trôi qua, cuối cùng, họ đã hộ tống thành công nhóm gặp nạn bị mắc chứng phù do độ cao trở về trại tiền phương.
Những người khác hỏi anh đã làm thế nào mà hoàn thành công việc gian khổ này, Greg Mortenson chỉ nói bốn từ: Tương đối khó khăn.
Greg Mortenson là như vậy, dù khó khăn đến đâu, anh ấy cũng sẽ không phàn nàn mà chỉ cố gắng hết sức mình. Quả thật, biết khó mà vẫn làm và dồn toàn bộ tâm sức để làm mới là bản lĩnh quyết định thành bại của một người đàn ông.
Một lần, sau khi tỉnh dậy, Mortenson đã không thể tập trung chú ý như bình thường vì thể chất quá kiệt quệ. Anh không nhận ra rằng mình đã lạc đường, đang ngày càng cách xa thế giới văn minh.
May thay, Greg Mortenson lần tìm theo dấu vết xung quanh, lại có thể tới được một ngôi làng Pakistan nằm sâu trong núi. Cuộc sống nơi đây còn rất yên bình và đơn thuần như đỉnh Chogori trắng tuyết. Những người già ngồi phơi nắng và hút những ống điếu, người trung tuổi thì vận hành những khung dệt thô sơ dưới bóng cây dâu tằm, với một kiểu điềm đạm đầy kinh nghiệm sống. Một bầu không khí hòa bình vĩnh cửu, là nơi thuần khiết chưa bị ảnh hưởng bởi nền văn minh hiện đại mà bao người khao khát.
Khi Greg Mortenson lần đầu đến nơi cũng có cảm nhận như vậy, ngôi làng không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên dễ chịu mà còn là vẻ đẹp của tình người.
Anh được sống nhờ trong nhà của trưởng làng, được đắp chiếc chăn bông ấm nhất ở đây. Họ thấy anh kiệt quệ và mất sức nên đã mổ thịt con dê lớn quý giá nhất trong làng để bổ sung dinh dưỡng cho anh.
Đối với vùng đất xa xôi hẻo lánh này, đường là thứ xa xỉ, nhưng Greg Mortenson vẫn được mời uống hết ly trà ngọt này đến ly trà ngọt khác. Có câu rằng: “Lần đầu tiên bạn uống trà với một người Balti, bạn là một người lạ. Lần thứ hai bạn uống trà, bạn là một vị khách danh dự. Lần thứ ba bạn chia sẻ một tách trà, bạn trở thành gia đình…”
Sự nhiệt tình giản dị như vậy đã khiến Greg Mortenson chân thành biết ơn nơi này.
Mặc dù bề ngoài trông rất thô kệch nhưng Greg Mortenson lại có một trái tim tinh tế, vì vậy anh đã nhận ra những lỗ hổng sau vẻ đẹp bề ngoài này.
Hầu hết mọi hộ gia đình trong làng đều có một thành viên bị tuyến giáp hoặc đục thủy tinh thể.
Màu tóc vàng nghệ tuyệt đẹp của trẻ em thực sự là hậu quả đến từ việc suy dinh dưỡng trong thời gian quá dài.
Bệnh viện gần đây nhất cần đi bộ ít nhất một tuần mới có thể tới nơi.
Một phần ba số trẻ sơ sinh trong làng chỉ sống chưa tới một tuổi.
Greg Mortenson không thể làm ngơ. Lúc này, thân phận nhân viên y tế của anh cũng đóng vai trò quan trọng, anh sử dụng các loại thuốc mang theo bên mình để chữa một số bệnh thông thường cho dân làng.
Ngoài ra, Greg Mortenson cũng nghĩ đến việc gửi một số sách cho trẻ em và trường học ở đây sau khi trở về Mỹ. Vì vậy, anh nhất quyết muốn đến thăm trường. Trưởng thôn không thể cưỡng lại sự kiên trì này, bèn đưa anh đến đó.
Greg Mortenson vào năm 2005 tại trường học làng Lalander ở Afghanistan.
Tại đây, tám mươi hai đứa trẻ, bảy mươi tám bé trai và bốn bé gái dũng cảm, đang ngồi trên mặt đất lạnh giá ngoài trời để học bài. Cô giáo chỉ đến lớp ba ngày trong tuần, những thời gian khác, các em sẽ xem lại bài tập mà giáo viên giao cho, tất cả đều yên lặng mà tập trung.
Chúng ta luôn nhấn mạnh trẻ em là tương lai, đã có câu “Dù nghèo đến đâu cũng không thể nghèo trong giáo dục, dù khó đến đâu cũng không thể làm khó trẻ em”. Cho nên, trẻ em luôn là đối tượng được ưu tiên hàng đầu, được lớn lên dưới sự quan tâm chăm sóc của toàn xã hội, có lớp học sạch đẹp. Nhưng ở một góc trái đất mà chúng ta không nhìn thấy, lại có những đứa trẻ học theo cách này. Không phải một, mà là rất nhiều.
Nhìn thấy những đứa trẻ này, anh lại nghĩ tới cô em gái mất sớm của mình, bèn nói: “Tôi muốn xây dựng một trường học cho các em.” Vào thời điểm đó, tất cả gia tài anh có được chỉ là công việc điều dưỡng lẻ tẻ và một chiếc xe hơi cũ kỹ.
Nhiều người sẽ cho rằng, đây chỉ là “Châu chấu đá xe, không biết lượng sức”. Nhưng họ lại quên mất rằng, có những điều chúng ta biết rõ là khó khăn, biết rõ không thể làm nhưng vẫn cố hết sức để làm được tốt nhất, đó chính là thánh nhân.
Khó khăn, gian khổ trong lời hứa này, không phải Greg Mortenson không lường trước được. Nhưng nếu không chọn một mục tiêu nơi xa thì vượt qua khó khăn, giông bão có thể đem tới ý nghĩa gì?
Vượt qua tất cả những khắc nghiệt ấy, Greg Mortenson đã trở thành một nhà nhân đạo cam kết xóa đói giảm nghèo và nâng cao giáo dục cho trẻ em gái ở Pakistan và Afghanistan. Ông đồng sáng lập Viện Trung Á (CAI), một nhóm phi lợi nhuận đã báo cáo giám sát việc xây dựng hơn 171 trường học tính đến năm 2010, cung cấp giáo dục cho hơn 64.000 trẻ em, ở các vùng sâu vùng xa của Pakistan và Afghanistan, nơi trước đây có rất ít cơ hội giáo dục.
Quả thật, biết lượng sức mà làm là cách của người thông minh. Còn biết khó mà vẫn làm, đó là bản lĩnh của một người đàn ông.