Nhà báo John Malkin
Thiền sư Thích Nhất Hạnh – người đưa ra khái niệm Phật giáo dấn thân – đã có buổi phỏng vấn với nhà báo John Malkin cách đây hơn một thế kỷ. Trong cuộc trò chuyện đó, ông khẳng định, Phật nằm chính trong nghệ thuật sống chánh niệm từng phút giây của cuộc đời.
Mới đây, tôi có dịp gặp Thiền Sư Thích Nhất Hạnh tại Tu viện Kim Sơn, miền Bắc California (Mỹ). Tôi rất hạnh phúc khi được ngồi trên tấm zafu – một loại đệm dùng để tập thiền – uống trà với ông ấy, và rất vui khi ông chủ động ra hiệu đề cập đến bảng câu hỏi đang ở cạnh tôi, nếu không, rất có thể tiếng chuông ăn trưa một giờ sau đó sẽ cất lên mà chưa có buổi phỏng vấn nào được bắt đầu.
– Ông có thể mô tả nguồn gốc của Phật giáo dấn thân và quá trình ông thay đổi xã hội dựa vào lòng từ bi?
– Phật giáo dấn thân chỉ là Phật giáo. Khi bom dội lên đầu chúng sinh, bạn không thể ngồi trong thiền viện. Thiền là nhận thức về những gì đang xảy ra, không chỉ bên trong mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn.
Khi còn ở Việt Nam, những nhà sư trẻ tuổi chúng tôi đã chứng kiến nỗi đau khổ do chiến tranh gây ra. Bởi vậy, chúng tôi mong mỏi đưa đạo Phật vào xã hội. Điều này chẳng dễ dàng gì bởi xã hội truyền thống không trực tiếp hình thành Phật giáo dấn thân. Chúng tôi phải tự làm lấy. Đó là lý do Phật giáo dấn thân ra đời.
Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền.
– Người ta thường cảm thấy phải lựa chọn giữa việc tham gia thay đổi xã hội hoặc tập trung vào bản thân và tinh thần. Ông sẽ nói gì với những người này?
– Tôi nghĩ quan điểm đó khá nhị nguyên. Thực hành tôn giáo nên hướng đến giải quyết đau khổ: nỗi khổ bên trong bạn và nỗi khổ xung quanh bạn. Chúng đều liên kết với nhau. Nếu lên núi tu hành một mình, bạn không có cơ hội nhận ra sự giận dữ, ghen tỵ và tuyệt vọng ẩn sâu bên trong. Đó chính là tại sao bạn phải gặp những người khác để nếm trải những cảm xúc ấy. Như thế bạn sẽ nhận ra và cố gắng nhìn vào bản chất của chúng. Không hiểu gốc rễ của phiền não, bạn sẽ không thể thấy con đường dẫn đến hồi kết. Đó là lý do vì sao đau khổ rất quan trọng đối với thực hành tôn giáo.
– Trong tâm lý học phương Tây, chúng tôi được dạy, có thể giải phóng cơn giận dữ bằng cách hét lên hoặc đấm vào gối. Trong cuốn sách “Giận dữ: Sự thông thái để làm nguội những ngọn lửa”, ông lại phê phán cách thức trên. Tại sao ông lại cảm thấy phương pháp đó không làm tiêu tan cơn giận?
– Đối với tâm lý học Phật giáo, chúng tôi nói về ý thức như những hạt giống. Bên trong chúng ta có cả hạt giống giận dữ lẫn hạt giống từ bi. Thực hành Phật giáo là để giúp hạt giống từ bi lớn lên và hạt giống giận dữ nhỏ lại. Khi thể hiện cơn giận, bạn nghĩ mình đang đưa nó ra khỏi hệ thống nhưng điều đó không đúng. Khi thể hiện cơn giận, dù bằng lời lẽ hay hành động bạo lực, bạn đang nuôi dưỡng hạt giống giận dữ và để nó lớn lên. Như vậy rất nguy hiểm.
Nhận ra hạt giống giận dữ và cố gắng vô hiệu hóa nó bằng sự hiểu biết cùng lòng từ bi là cách duy nhất để giảm bớt giận dữ trong chúng ta. Nếu không hiểu nguồn gốc cơn giận, bạn không bao giờ chuyển hóa được nó.
– Nhiều người quan điểm rằng hạnh phúc và giác ngộ là những thứ xảy ra ở tương lai chỉ thiểu số mới được trải nghiệm. Giác ngộ có vẻ như là một điều rất khó đạt được…
– Hạnh phúc và giác ngộ là những sinh vật có thể lớn lên. Bạn hoàn toàn có thể nuôi dưỡng chúng mỗi ngày. Nếu không nuôi dưỡng, sự giác ngộ của bạn sẽ chết. Nếu không nuôi dưỡng, tình yêu của bạn sẽ chết. Nếu bạn tiếp tục nuôi dưỡng giận dữ, hận thù, sợ hãi, chúng sẽ phát triển. Đức Phật dạy, không thứ gì sống được thiếu thức ăn. Điều đó áp dụng cả với giác ngộ, hạnh phúc, nỗi buồn, nỗi đau.
Trước hết, giác ngộ là giác ngộ về một cái gì đó. Giả sử, bạn đang uống trà và ý thức được mình đang uống trà. Chánh niệm về việc uống trà đó là một dạng giác ngộ. Có rất nhiều khi bạn uống mà không để ý vì đang đắm chìm trong lo lắng. Vì thế, chánh niệm về việc uống chính là một dạng giác ngộ.
Nếu tập trung tâm trí vào hành động, hạnh phúc có thể đến trong lúc bạn uống trà. Bạn có thể thưởng thức trà ở đây và ngay bây giờ. Nhưng nếu không biết uống trà bằng chánh niệm và tập trung, bạn không thực sự uống trà mà uống nỗi đau, nỗi sợ, cơn giận. Không chút hạnh phúc.
Thầy chúng tôi pha trà. Nguồn ảnh: plumvillage.org
Thấu hiểu cũng là giác ngộ. Nhận ra mình vẫn đang sống, đang bước đi trên thế giới tươi đẹp này cũng là một dạng giác ngộ. Điều đó không tự dưng mà đến. Bạn phải đặt tâm trí để tận hưởng từng bước đi. Và, một lần nữa, bạn phải giữ gìn sự giác ngộ để hạnh phúc được tiếp tục. Nếu bạn bước đi như một người đang chạy, hạnh phúc sẽ chấm dứt.
Từng sự giác ngộ nhỏ phải đi liền với nhau. Chúng phải luôn luôn được nuôi dưỡng để trở thành sự giác ngộ tuyệt vời nhất có thể. Một khoảnh khắc sống trong chánh niệm đã là một khoảnh khắc giác ngộ. Nếu bạn luyện tập bản thân để sống như vậy mỗi ngày, hạnh phúc và giác ngộ sẽ tiếp tục lớn lên.
Nếu bạn biết cách duy trì giác ngộ và hạnh phúc, nỗi đau, nỗi sợ, nỗi khổ sẽ không còn cơ hội hiện hữu. Nếu không xuất hiện trong thời gian dài, chúng sẽ dần dần yếu đi. Rồi, khi ai đó chạm đến hạt giống đau khổ, sợ hãi, giận dữ trong bạn và những thứ đó bộc phát, bạn sẽ biết cách mang trở lại hơi thở chánh niệm và nụ cười chánh niệm. Bạn sẽ ôm lấy được nỗi đau khổ của chính mình.
– Khi tập thiền, chúng tôi rất hay cảm thấy đầu óc quá bề bộn và không thể thiền tốt. Ông nói gì về điều này?
– Thiền là tận hưởng. Khi nhận một tách trà, bạn đã có cơ hội để hạnh phúc. Hãy uống tách trà bằng cả tâm hồn. Nếu không, làm thế nào bạn có thể tận hưởng tách trà của mình? Hay như khi bạn nhận một quả cam, chắc chắn có cách ăn sao cho tự do và hạnh phúc. Bạn có thể tập ăn cam để cảm thấy tự do và hạnh phúc. Nếu đến một khóa tu chánh niệm, bạn sẽ học được cách để tự do, hạnh phúc khi ăn cam, uống trà hay đi dạo.
Bạn hoàn toàn có thể tận hưởng từng bước đi. Những bước chân chữa lành, tươi mát sẽ mang đến cho bạn thêm tự do. Bạn sẽ được hỗ trợ nếu có một người bạn hiểu rõ cách thức bước đi. Việc thực hành này có thể diễn ra mọi lúc. Không phải cho tương lai, mà cho chính thời điểm hiện tại. Nếu hiện tại tốt đẹp, tương lai cũng sẽ tốt đẹp bởi nó được tạo ra từ chính hiện tại. Nếu từng bước chân đều tự do, vui vẻ thì mọi nơi bạn đến đều là cõi tịnh độ của Đức Phật. Cõi tịnh độ của Đức Phật không phải vấn đề của tương lai.
– Liệu ông có tự hỏi Đức Phật tiếp theo sẽ xuất hiện trong thân thể một người trần hay dưới dạng một cộng đồng?
– Tôi nghĩ Đức Phật đang ở đây rồi. Nếu đủ chánh niệm, bạn có thể nhìn thấy Đức Phật trong bất cứ điều gì, đặc biệt là trong Tăng đoàn. Thế kỷ XX là thế kỷ của chủ nghĩa cá nhân nhưng chúng tôi không muốn như vậy nữa. Giờ đây, chúng tôi cố gắng sống như một cộng đồng. Chúng tôi muốn trôi đi như một dòng sông chứ không phải một giọt nước. Sông chắc hẳn đi tới biển, còn một giọt nước có thể sẽ bay hơi giữa chừng. Đó là lý do chúng tôi nhận ra sự hiện diện của Đức Phật ở đây và bây giờ. Tôi nghĩ rằng mọi bước đi, mọi hơi thở, mọi lời nói được sinh ra trong chánh niệm chính là biểu hiện của Đức Phật. Đừng tìm kiếm Phật ở nơi nào khác. Phật nằm chính trong nghệ thuật sống chánh niệm từng phút giây của cuộc đời.