Làng tôi nằm bên dòng sông Ngàn Phố, thuộc một huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh, nơi “sáng chắn bão dông chiều ngăn nắng lửa”, cũng là nơi gắn liền với tuổi thơ tôi đến lúc trưởng thành. Đó là làng “Trại Hươu” (thôn Cây Tắt, xã Sơn Tây, Hương Sơn, Hà Tĩnh).
Làng Trại Hươu xưa nằm bên bờ sông Ngàn Phố thơ mộng
“Trưa nắng hè gọi nhau râm ran chè xanh”
Làng tôi không lớn, được hình thành từ đầu những năm 90. Khi đó, những hộ gia đình công nhân trại hươu giống được chia đất, vừa để ở vừa phục vụ sản xuất, cùng với một số hộ trong thôn đến ở nữa thì hình thành nên làng.
Thời đó chưa có điện, người dân làng chúng tôi dùng đèn dầu, sau rồi có bình ắc quy mới biết đến cái tivi đen trắng. Lúc này khó khăn nhưng làng tôi lúc nào cũng tràn ngập trong tiếng cười của đám trẻ thơ lứa 8X như tôi.
Mỗi nhà cách nhau cái bờ rào, có đoạn thông nhau thành lối mòn để nhà này qua nhà kia cho tiện. Mỗi trưa hè, hay mưa dông, nhà ông bà Tam Hợi, hay Quế Nguyên, Tuấn Vượng… “om” ấm nước chè, luộc rổ lạc, nồi khoai lang (ăn với bát cà muối mặn), quả mít chín…
Đến giờ, thế hệ chúng tôi, trong lòng mỗi người còn văng vẳng tiếng gọi kiểu như: “Mời ông Tam bà Hợi sang nhà ông Quế uống “nác” (nước) chè, ăn lạc “loọc” (luộc) nha”.
Nhà xa hơn đứng gọi không nghe được thì bố mẹ phân công cho đám trẻ con chúng tôi đến tận nhà để mời. Đám trẻ con của chúng tôi cũng được “hưởng xái” các món ăn vì chưa quen uống nước chè “om”.
Nước chè “om” của các bậc “tiền bối” ở làng tôi cũng có gì đó rất đặc biệt (theo quan sát của tôi). Chè thường của gia đình tự trồng, sau khi được cắt từ cây thì cho vào ấm nhôm, lấy thân chè để cài và ém cho thật chặt, rồi mới đổ nước sôi vào (có nhà thì cho thẳng ấm lên bếp đun sôi thì rót ra). Nếu nước chè chưa đặc, dùng đũa đâm vào lá chè để nước đặc hơn, nếm thử thấy vừa miệng thì mới thôi.
Những bát nước chè xanh ấy đã theo tuổi thơ chúng tôi lớn lên. Sau này, khi kinh tế thị trường phát triển, nhiều thay đổi ở làng nhưng nếp xưa vẫn được giữ nguyên vẹn. Trưa nắng hè vẫn “gọi nhau râm ran chè xanh”. Và cả sau này, lứa con, cháu chúng tôi trưởng thành cũng truyền lại nhau tình làng nghĩa xóm, văn hóa sinh hoạt làng không bao giờ thay đổi.
Làng mất đất nhưng tình làng còn mãi
Biến cố lớn đến với làng Trại Hươu vào những năm cuối 2000. Nhà nước quy hoạch xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, làng tôi nằm trong quy hoạch, bị thu hồi đất để xây dựng Cổng B (cổng kiểm soát) của Khu Kinh tế.
Các hộ trong làng hầu như bị thu hồi hết đất, chỉ còn lác đác vài hộ còn chút ít đất để làm nhà. Các vườn chè, ruộng lạc trong làng cũng biến mất. Mỗi nhà chuyển đi mỗi nơi nhờ được phân bổ đất tái định cư. Khi chuyển đi dù không xa, nhà nào cũng ôm nhau rơm rớm nước mắt vì cộng đồng làng quen thuộc bị mất.
Từ đó không còn nhà này đứng gọi nhau uống nước chè xanh, ăn rổ lạc luộc nữa. Chúng tôi rồi cũng lớn lên và trưởng thành đi làm ăn xa, mỗi người một nơi, mỗi một công việc.
Dù vậy, các hộ dân ở làng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau, không còn râm ran như ngày xưa nữa nhưng vẫn gọi điện, nhà ai có việc cũng tụ tập để “mỗi người một tay một chân”. Đám trẻ chúng tôi đã trưởng thành, đưa con cháu về quê, gọi nhau sang bãi cát bên sông Ngàn Phố nướng thịt, nhâm nhi chén rượu nồng, kể lại chuyện làng của chúng tôi, về tuổi thơ chăn bò lăn lộn với bãi cát, bờ sông, đồi sim chín mọng.
Đối với chúng tôi, dù đất làng mất đi, nhưng tình làng Trại Hươu vẫn luôn ấm áp đến tận bây giờ và chắc chắn sẽ trường tồn cho đến mai sau.
Nguồn: Dân Việt.