“Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”

10 lượt đã xem

Nghệ thuật uống trà của người Việt được gói lại trong câu:
“Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh.”

24991592_338880063189310_2174338228594528822_n

👉Nước chè: Chè thích hợp với nước tinh khiết, nước pha trà ngon nhất là nước đọng trên lá sen, hay nước mưa hứng từ tàu cau, nước hứng được phải đem đun bằng ấm đất trên bếp lò. Bếp lò phải dùng than đốt, vì nó không bốc mùi như củi khô, hay các loại dầu. Đun vừa đủ sôi: với các loại trà xanh thì đun sôi sủi tăm, còn với trà tẩm hương (trà sen, trà nhài, trà cúc, v.v.) thì đun ở độ sôi đầu nhang. Nếu không đủ sôi thì trà không phai, nếu sôi quá thì trà lại nồng, các cụ gọi là “cháy” trà.

👉Chọn chè: Ở Việt Nam xưa, người dân hay uống chè tươi, chè nụ, chè xanh; ngày nay thì có chè khô được sử dụng nhiều.Ông cha ta từ xưa đã uống chè nhiều, và loại chè xưa được chọn là chè tươi. Chè tươi đem rửa thật sạch, sau đó vò thật kỹ để lá chè giập nát, còn cọng chè thì bẻ gãy và tước ra. Nước đun mới sôi rồi cho chè vào, sau đó đun tiếp trong khoảng 15 phút, thấy chè ngấm là đem ra uống được.. Uống nước chè tươi thể hiện tính cộng đồng của văn hóa làng xã Việt Nam, chè tươi không phân biệt chức tước, địa vị, tất cả đều có thể quây quần bên nhau thưởng trà, khác hẳn cách uống trà tàu độc ẩm, song ẩm hay quần ẩm của người Hán. Ngoài chè tươi, ông cha ta còn uống chè khô, tại các nơi trồng chè nổi tiếng như Thái Nguyên, Phú Thọ có “chè mộc”, “chè sao suốt” hoặc “chè móc câu”. Gọi là “chè sao suốt” vì lá chè sau khi hái, được sao bằng tay trong chảo lớn với ngọn lửa liên tục, vừa phải không to quá, không nhỏ quá. Gọi “chè móc câu” vì cánh chè sau khi sao xong sẽ quăn lại giống hình cái móc câu. Gọi là “chè mộc” bởi vì là loại chè không ướp hương hoa,…

👉Bôi ( chèn trà) và Bình ( ấm trà ): Chèn trà thường dùng chén cỡ hột mít hay mắt trâu, bình trà thì có bình chuyên và bình tống. Trước khi pha trà thì dùng nước sôi để tráng chén và bình, tưới nước lên bình trà, rồi đổ nước ấm lên các chén trà để làm nóng và sạch. Cho trà vào ấm phải vừa đủ lượng (cho ít quá thì nhạt, còn cho nhiều quá thì đắng chát). Rót nước pha trà vừa ngập mặt trà rồi đổ đi để “rửa trà”: Tửu tam trà nhị (rượu chén đến thứ ba mới bắt đầu ngấm, trà nước thứ hai mới ngon). Sau đó rót nước gần đầy bình và đạy nắp, rồi rót thêm lên trên nắp bình một ít nước nóng để giữ được hương trà. Đợi khoảng 1-2 phút để trà chín và rót ra để thưởng thức.

👉“ Ngũ quần anh ” là người thưởng trà, bạn trà. Bạn trà khó tìm hơn bạn rượu, có được bạn trà là có được người hiểu mình, là tri kỷ. Rót trà ra mời bạn cũng cần lưu ý, nếu có chén tống ( là chén to nhất ) thì rót ra chén tống trước rồi chia ra các chén quân. Còn nếu không có chén tống, rót thẳng vào chén quân thì rót lần lượt ít một vào từng chén, rồi xoay vòng rót ngược lại. Như thế, các chén trà đều đậm đà như nhau. Khi rót thì thấp tay một chút cho dòng nước chảy vào chén. Tất cả các giai đoạn thưởng trà từ chọn nước, chọn trà, pha trà và rót trà đều phản ánh văn hoá truyền thống và tinh hoa dân tộc Việt Nam, được gìn giữ hàng ngàn năm nay.

Nguồn: Tổng hợp.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *