Thái Hạo
Không phải cái cầu kỳ của trà đạo Nhật, cũng không thâm trầm kiểu Tàu, trà ở quê tôi là một thứ trà dân dã nhưng thanh khiết, hồn hậu mà tinh tế.
Người dân múc nước dưới giếng Am. Ảnh: Thái Hạo.
Quê tôi Tào Sơn – nay là xã Thanh Sơn và Thanh Thủy thuộc thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa, một làng như bao làng Việt khác. Nhưng điều khiến tôi tò mò và lạ lẫm mãi không thôi, là thú uống trà. Trà nước Am.
Uống trà thì cũng không có gì đáng nói, vì người Việt trên đất nước này ở đâu chẳng trà lá. Làng tôi ở gần núi, cách một cánh đồng nhỏ, dưới chân núi ấy có chiếc giếng cổ, gọi là giếng Am. Giếng Am không phải là “giếng làng” như mô thức trong các làng Việt xưa, nó không ở trong làng…
Nghe các vị cao niên kể lại, giếng đã có từ mấy trăm năm trước. Ngày xưa nơi đây là chùa, chùa Am. Giếng được đào để lấy nước phục vụ cho chùa ấy. Những năm cải cách ruộng đất, chùa chiền khắp nơi bị đập phá, chùa Am thành bình địa. Ông nội tôi kể, tượng Phật được chất đống, đốt cháy mấy ngày chưa tàn lửa. Còn lại chiếc giếng này, thi gan cùng những dâu bể, trầm luân làng Việt.
Ngày tôi còn bé đi chăn trâu đã thấy dân làng mải miết lấy nước Am. Nước được đựng đầy hai chiếc thùng thiếc và gánh từ núi về, nhà nào gần thì khoảng dăm trăm mét, nhà xa phải đến vài cây số, dọc đường phải nghỉ mấy bận mới về tới. Người đi gánh nước thường là các cô, các bà hoặc những người đàn ông trung niên. Nước gánh về chỉ dùng vào một việc duy nhất: pha trà. Ai mà dùng nước ấy để tắm rửa giặt giũ thì có cảm giác như mang tội…
Quang cảnh nhìn từ phía núi giếng Am về làng Tào Sơn. Ảnh: Thái Hạo.
Trong làng dường như nhà nào cũng có giếng khơi, ăm ắp nước, nhưng không ai dùng nước ấy để nấu trà. Dù nắng, dù mưa, dù ngày hay đêm phải lấy cho được nước giếng Am. Ngày bé, thường nghe các ông các chú trong làng nói: không có nước giếng Am thì trà coi như hỏng.
Nước giếng Am làm cho trà xanh hơn, ngọt hơn, đậm đà và thơm nồng; và đặc biệt không đóng cặn ở đáy ly, dù nước thừa trong chén đã để qua ngày. Uống trà giếng Am làm người ta nghiện. Tiếng lành đồn xa, theo thời gian, những người ở các làng bên rồi xã bên cũng tới lấy.
Đường lên giếng Am từ đó dường như lúc nào cũng có người đi kẻ lại, thong dong, bình lặng… Đi lấy nước Am đã thành một sinh hoạt tự nhiên, vô tư như hơi thở của làng, chẳng ai phiền lụy hay thấy mình phải cố gắng gì cả. Hết nước thì lấy nước, thế thôi.
Tôi đã chứng kiến, vào những ngày nắng hạn kéo dài, đồng ruộng khô khát, giếng Am cũng cạn, mạch nước ri rỉ nhỏ ra, người dùng lại đông, việc lấy nước vì thế mà trở nên rất gian nan. Để lấy được một xô nước về pha trà có khi phải mất cả tiếng chờ đợi, vì thế mà nhiều người phải trực ngày trực đêm để đợi tới lượt mình.
Xô, thùng, can nhựa xếp thành hàng dài. Khi ban ngày không thể đủ thời gian để có nước cho tất cả dân làng thì người ta phải đợi trong đêm. Những năm hạn hán, suốt hàng mấy tháng trời, giếng Am thức trắng. Dân mang thùng lên và nếu đã có nhiều người đang chờ, thì xếp thùng theo thứ tự và về nhà ngủ, áng chừng tới lượt thì trở dậy lên núi lấy nước.
Một góc quang cảnh giếng Am. Ảnh: Thái Hạo.
Có người đi lúc nửa đêm, có kẻ lọ mọ một – hai giờ sáng quảy gánh lên vai… Suốt đêm như thế, người đến người về không ngớt. Đám thanh niên thì thường thức luôn, quây tụ hút thuốc uống trà và chuyện gẫu để đợi lấy nước… Những đêm như thế, giếng Am như có hội.
Dù phải đợi suốt cả một ngày chỉ để lấy được vài chục lít nước, dân làng tôi cũng luôn vui vẻ đợi, hiếm khi thấy ai phàn nàn về việc ấy. Và cũng hiếm khi thấy có ai tranh giành nhau vì lấy nước. Mọi người cùng chờ và trò chuyện, dù chỉ là những chuyện đồng áng, chuyện cưới xin giỗ chạp hay những chuyện gẫu không đầu không cuối.
Khi nước Am đã khan hiếm, và người những xã bên thì đã trót uống mà nghiện không bỏ được nên vẫn chờ chực mong lấy cho bằng được. Có điều vui, là dù giếng ấy của làng tôi, nhưng lúc “gian nan” nhất để có được gáo nước thì tuyệt nhiên cũng chẳng ai ý kiến hay ngăn cấm gì với người những nơi khác. Ai đến trước thì đợi và lấy trước, ai đến sau lấy sau.
Bà nội tôi ngoài 70 tuổi vẫn còn đi gánh nước Am. Cơm có thể rau dưa qua ngày, nhưng trà dứt khoát phải nước Am. Những năm cuối đời, bà không ăn trầu nữa, nhưng trà chẳng bỏ. Nhà ông bà tôi trở thành nơi tụ tập của con cháu mỗi lúc thư nhàn, quây quần bên ấm trà, chuyện đông chuyện tây. Nay bà mất rồi, còn mình ông. Ông đã ngoài 90, vẫn trà nước Am như thuở bà còn sống, con cháu vẫn quây quần trước sân.
Giếng Am mùa này cạn nước. Ảnh: Thái Hạo.
Nước Am là thế, gia đình nào cũng có một chiếc lu sành trong nhà để đựng, là “để trong nhà” chứ không phải ngoài sân hay góc vườn. Có người còn để cả một lu to ngay trong phòng khách. Nếu chẳng may nhà nào hết nước Am, dù giếng khơi vẫn đầy, thì phải xách ấm sang hàng xóm mà xin cho được mới thôi.
Thuở bé, chúng tôi chăn trâu chăn bò. Từ làng, băng qua một cánh đồng nhỏ, rồi qua giếng Am mới leo lên núi Vể. Giếng Am trở thành nơi tụ tập của lũ trẻ. Ngày xưa núi còn cây, nước ngầm chưa cạn, giếng Am quanh năm ăm ắp. Nước đầy tràn, chảy theo miệng giếng ra, làm cả một vùng đất cát cỏ mọc xanh rì, không khi nào đổi sắc.
Giếng Am mùa nước đầy. Ảnh: Nam Lương.
Giếng Am thuở ấy đẹp lắm, xung quanh là bờ đá tự nhiên, cỏ và rong xanh như ngọc, nước cũng xanh như ngọc. Có một phiến đá lạ lùng, cắm sâu vào bờ và vươn dài ra giữa lòng giếng. Người đi lấy nước cứ bước thẳng lên đó, cúi vai, vục cả hai chiếc thùng xuống và quay ra mà gánh về. Những ngày hè nóng rát đi chăn trâu, trong cơn khát, ngửa cổ uống một hơi nước Am mới thấy cái mát lành, ngọt lịm như muốn làm cho thân thể tan ra giữa bốn bề cây cối và ruộng đồng bao la.
Rồi giếng cạn dần, những ngày gió Lào khô kiệt, một thương nhân xa quê về thăm, cho làng một khoản tiền để đào lại giếng. Phiến đá đẹp lạ lùng kia bị đập bỏ, lòng giếng rộng và sâu thêm, xung quanh xây thành. Những bãi cỏ xanh mướt như ngọc biến mất. Mà nước chẳng nhiều thêm…
Dân làng tôi góp tiền để đào một giếng khác dưới chân núi Nga, “chia lửa” cho giếng Am, hình như được hơn 50 triệu. Thuê máy cuốc công suất lớn, mấy ngày đã hiện ra một chiếc giếng rộng và sâu hun hút, nước mênh mông không khi nào vơi cạn, gọi là giếng May. Bắc cầu qua suối, làm đường vào giếng, sân giếng được láng bê tông sạch sẽ, cây cối được mang lên trồng làm bóng mát… Dân làng mừng vui như trẩy hội, nô nức làm giếng, nô nức đi lấy nước. Nhưng rồi thưa dần, thưa dần. Nay thì hiếm thấy ai còn vào giếng May lấy nước nữa. Vì nước không ngon, như nước Am. Lại trở về giếng Am, lại thức trắng đêm để chắt một thùng nước…
Tác giả Thái Hạo (phải) thưởng trà pha nước giếng Am cùng nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công.
Nước Am đã làm thành thứ văn hóa trà ở quê tôi. Những người già trong xóm mỗi sáng gọi nhau, trà tới tận trưa, bọn thanh niên thì trà tối. Trong mọi ngôi nhà, sau những bữa cơm bao giờ cũng là nước trà giếng Am. Cái sảng khoái và thỏa mãn hiện lên trên mỗi khuôn mặt lúc hớp một chén trà nóng. Chuyện đầu làng cuối xóm đều bên những ấm trà nước Am…
Quý nước Am là thế, nhưng cách pha, cách uống lại không mấy cầu kỳ. Chè xanh được hái ngoài vườn, rửa sạch, để ráo, vò thật nát, cho vào ấm tích và chế nước sôi. Ban đầu cho khoảng một phần ba ấm, súc mạnh, để “làm lông”, đổ đi, rồi mới rót nước vào lại, ủ khoảng mươi phút trong giỏ tích có lót rơm hoặc bông vải. Lúc này nước đã có màu xanh vàng, rót ra chén lớn, sóng sánh, khói thơm bốc lên nghi ngút.
Nếu muốn nước chè xanh lâu thì sau khi ủ khoảng vài phút, cho thêm một ly nhỏ nước lạnh vào ấm, chè để suốt ngày không đổi màu. Uống trà khô (quê tôi hay gọi là chè Thái Nguyên) cũng đơn giản. Cho trà vào ấm sứ hoặc ấm đất, rót nước sôi vào, để khoảng một phút cho chín trà rồi đổ đi, sau đó lại cho nước vào, đợi khoảng vài phút là uống được. Nước nguội quá hoặc nóng quá đều không ngon, sẽ làm trà bị khê; vì thế, pha trà, nước sủi tăm là vừa…
Nước Am, cái tên này có lẽ đã đi tận sâu vào trong nếp sống, nếp nghĩ của dân làng tôi. Nó trở thành một cái gì thật trong trẻo ngọt lành giữa những bùn đất và tối tăm của một làng quê từng trải qua lắm tai ương, dâu bể. Nước Am đã nâng đỡ nhiều người nông dân thất học quê tôi, những người suốt đời cúi mặt trên đồng dưới bãi, làm họ chạm vào cái “sang trọng” và thanh cao mà bình dị. Ở đây, có một cái gì đã vượt lên trên những toan tính vụ lợi thường nhật để thưởng thức cuộc sống như những trưởng giả, mà không màu mè, làm dáng.
Hôm nay, dù cuộc sống ở quê đã khá giả, nếp sống đô thị hóa xâm thực vào từng gia đình nhưng thật lạ, dân tôi vẫn uống nước Am như tự thuở xưa; vẫn những nếp ấy, vẫn thức trắng để lấy một xô nước, vẫn ngồi với nhau bên ấm trà nước Am mà chuyện về con cái học hành, chuyện về một ông quan mới bị bắt, chuyện lúa đồng bị chuột cắn…
Không phải cái cầu kỳ của trà đạo Nhật, cũng không thâm trầm kiểu Tàu, trà ở quê tôi là một thứ trà dân dã nhưng thanh khiết; hồn hậu mà tinh tế.
“Nước Am” là một kỳ lạ với tôi, nó khiến những người nông dân tưởng giản đơn mà bỗng thành bí mật quanh mình; nó khiến tôi phải đặt những dấu hỏi lớn về tâm hồn dân quê, về người bình dân và văn hóa Việt nơi làng xã ngàn đời. Đúng! Phải có điều gì sâu lắm trong hồn của một giống nòi đã neo nó lại giữa những đói nghèo cúi mặt, giữa những tàn phá và đau thương, giữa những cường bạo và dối lừa, giữa những vật đổi sao dời, suốt mấy trăm năm qua…