/Bài & ảnh: Hữu Dương/
Trà đá ven đường hay trà đá vỉa hè giờ chẳng mấy ai còn xa lạ giữa phố phường Hà Nội. Thế nhưng ít ai biết rằng cách đây hơn 20 năm, khi trà đá vỉa hè còn chưa đại trà như bây giờ thì đã có một địa chỉ đưa văn hóa thưởng trà quán cóc ven đường trở thành đặc sắc ở ngay ngõ chợ Thanh Xuân.
Mấy hôm nay thu đang về trên các nẻo đường Hà Nội. Cái không khí se lạnh sáng sớm khiến người ta không khỏi hoài niệm. Như mọi sáng cuối tuần, tôi ra quán cóc gần nhà, gọi một ly trà đá nhâm nhi nhìn dòng người qua lại! Nhìn xuống ly, bỗng thấy một kỷ niệm đang về! Trong chiếc ly hoài niệm, trà cứ “xoáy” lên, trắng xóa ra, như dòng ký ức đưa tôi về quá khứ.
Hương trà ký ức
Những người bạn đã quen nhau trên dưới 30 năm đi tìm lại hương trà ký ức.
Quãng đầu những năm 2000, tôi biết đến quán trà “Ông già” ở Thanh Xuân rất ngẫu nhiên. Khi đó tôi mới chỉ là học viên năm thứ ba một trường đại học quân sự ở Cổ Nhuế. Trừ những khi trực chiến, cứ cuối tuần tôi lại được “đi tranh thủ”; tức là được cho phép ra khỏi doanh trại trong một thời gian ngắn để giải quyết việc riêng. Trong các điểm đến cuối tuần, có nhà anh trai tôi ở đường Nguyễn Quý Đức, nơi có quán trà “Ông già”. Đã nhiều lần thưởng thức các vị trà ở đó, nhưng phải đến mãi sau này, khi viết một tút nhỏ trên mạng xã hội, kể lại ký ức “trà xoáy” thì tôi mới biết quán trà đó còn có tên là “Trà cụ Lư”. Nhưng có hề gì? Với những 7x, 8x đời đầu tụi tôi thì quán trà “Ông già” vẫn là cái tên được nhiều người biết đến hơn cả.
Nhà “Ông già” ở khu tập thể B6 Thanh Xuân, cách Trường Đại học Hà Nội mà khi đó còn gọi là Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân không xa. Khu tập thể có cái cầu thang cũ và quán trà được mở ở ngay góc cầu thang ấy. Quán bày biện đơn giản. Những thứ khác tôi ít chú ý vì nó cũng giống như những quán trà vỉa hè khác, nhưng có một chiếc bảng đen là tôi hay để ý hơn cả. Trên tấm bảng đen nho nhỏ là mấy câu thơ luôn thay đổi theo các loại trà phục vụ các ngày trong tuần. Điều đặc biệt ở mấy câu thơ đó là không tuần nào giống tuần nào cả. Dù không còn có thể nhớ chính xác cái “lịch tuần” ấy, nhưng cơ bản thì nếu thứ Hai là trà mộc thì thứ Ba là trà sen, thứ Tư trà cúc, thứ Năm trà nhài… còn Chủ nhật là tổng hợp các hương trà trong tuần và là ngày chủ quán đích thân rót trà mời khách bình thơ.
Cụ Lư khi còn khỏe mạnh. Ảnh: Facebook Nguyễn Trúc Phong
Thơ viết trên bảng đen trong tuần thì nhiều, nhớ không xuể, nhưng có câu thơ về mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được “Ông già” viết lên đó và đề nghị ẩm khách ngâm, vịnh nhân một dịp xuân về là tôi cứ nhớ mãi, có lẽ là bởi cái chất lãng mạn của câu thơ cộng hưởng với hương và vị trà đậm đà của quán.
“Quy lai ngẫu kiến sơn mai thụ
Nhất đóa hoàng hoa nhất điểm xuân”.
(Dịch nghĩa: Quay về tình cờ gặp một gốc mai núi
Mỗi đóa hoa vàng là một nét xuân)
Ngoài thơ, quán cũng đưa ra những câu đố vui, kiến giải một cách hài hước, dí dỏm mà ẩm khách ai cũng thấy thích thú mỗi khi tìm cách trả lời, rồi được nghe đáp án. Trà của quán thì thơm lắm, thường uống cùng lạc rang húng lìu hay kẹo lạc. Khách ngồi ở vỉa hè trải chiếu. Mỗi ấm trà được pha rất đầy đặn, trà trong ấm khi nở ra đầy lên tận nắp. Nói chung là trà rất đặc, rót ra nhâm nhi một lượt là hết nước, lại thoải mái tra thêm nước mới. Khách từ nhiều nơi đến, nhưng ai cũng chậm rãi nhấp từng ngụm nhỏ, chậm rãi nói từng câu chuyện và chậm rãi lắng nghe hương trà lan lên cánh mũi và vị trà tan nhẹ trên môi. Tinh thần thật sảng khoái, cuộc sống trôi chậm lại! Đến khi muốn uống trà đá thì cũng là lúc tàn cuộc rồi. Nhưng trà vẫn đặc lắm, rót vào cốc đá nó cứ trắng xóa cả lên như sữa vậy. Tôi biết từ khi đó nó đã có tên là “trà xoáy”, có lẽ là do khi đổ trà vào, nước cứ xoáy lên và trắng đục ra như sữa. Cái từ “trà xoáy” đó không rõ ra đời từ khi nào, nhưng hẳn là cũng rất lâu rồi, đến nỗi bây giờ lứa thanh niên ít người còn nhắc đến.
Ly“trà xoáy” đưa tôi về miền ký ức.
Đi tìm hoài niệm
Thêm tuổi, thêm trải nghiệm, người ta càng thêm thấm cái định nghĩa khá lạ về văn hóa của một học giả phương Tây, đại ý: “Văn hóa là những gì còn lại sau khi tất cả đã mất đi”. Tôi chẳng ngờ cái tút nhỏ trên mạng xã hội về quán trà “Ông già” lại được bạn bè vào comment (bình luận) nhiều thế. Thì ra chẳng phải riêng tôi mới hay hoài niệm!
Hoài niệm “trà xoáy” hôm đó đã khiến tôi đôi lần tìm lại chốn cũ, và thật bất ngờ là quán trà “Ông già” năm xưa vẫn còn đó, dẫu 20 năm có lẻ đã trôi qua; vẫn thứ Hai trà mộc, thứ Ba trà sen… Chủ nhật ngũ hương trà. Dẫu ở chẳng mấy xa quán cũ, nhưng chuyến đi hoài niệm không sớm thành công như tôi nghĩ. Sau giờ làm việc một ngày trong tuần, tôi đã lên chiếc “Giấc mơ” cũng 20 tuổi có lẻ, tìm về nơi cũ. Đến nơi chỉ thấy quán vắng tanh, trước cửa là một chiếc xe Wave Alpha dựng ngay ngắn, bên trong là một chiếc bàn và mấy chiếc ghế gỗ vẫn cũ kỹ như ngày nào, bên trên có tấm bảng “Lư trà quán”. Ngoài ra chẳng thấy có ai! Thôi thì lại đi về, nhưng không quên nhắn tin cho thằng bạn từ thời “thò lò mũi xanh” ở gần đó tối ra kiểm tra xem quán có còn mở và có mở cửa theo khung giờ ngày xưa nữa không (từ tối đến 23 giờ).
Lịch trà trong tuần vẫn như thời cụ Lư còn sống, chỉ khác là không ghi trên bảng đen nữa mà thể hiện bằng thư pháp của anh Kiều Quốc Khánh.
Quán còn! Vụ tụ tập của 3 thằng bạn tuổi đã vào nhóm U50 diễn ra thế nào có lẽ chẳng cần nhắc đến. Chỉ biết rằng, người trông quán cũ đã không còn nữa, nhưng con trai và con dâu cụ thì vẫn giữ nếp xưa, vẫn 7 giờ tối thì dọn ghế ra, đun nước, tráng ấm, chuẩn bị trà… Trà vẫn thơm, ngon như xưa, ngoại trừ một điều là không còn lạc rang húng lìu nữa, thay vào đó là mấy đĩa hướng dương. Ký ức vẫn ùa về trong từng câu chuyện, về chiếc cầu thang này, khung bảng đen kia, bài thơ năm ấy… Chia tay rồi, Facebook thằng bạn lại hiện lên ly “trà xoáy”. Thì ra đã là ký ức thì vẫn cứ làm ta phải “mất ngủ” như xưa!
Quán trà “Ông già” vẫn được con trai và con dâu cụ Lư duy trì.
Thật đúng khi nói rằng khi mọi thứ đã đi qua hết thảy thì những gì còn lại mới thật là văn hóa. Giờ thì “Ông già” đã không còn nữa, nhưng văn hóa thưởng trà của ông để lại thì vẫn được lưu giữ. Ở quận Thanh Xuân, trên đường Nguyễn Quý Đức, nơi chiếc cầu thang cũ kỹ của khu tập thể B6 vẫn còn “Lư trà quán” do con trai cụ, anh Kiều Quốc Khánh, và vợ vẫn mở bán mỗi tối, như một nơi lưu giữ ký ức cho những ai từng biết đến quán trà “Ông già” ngày ấy và những ai mong muốn thưởng trà quán cóc vỉa hè đúng nghĩa, đủ vị, thơm hương của Hà Nội bây giờ.