Nghiên cứu cho thấy, các catechin có trong trà xanh có thể giúp ngăn ngừa và làm giảm các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp.
Viêm là một phần trong phản ứng bình thường của cơ thể đối với chấn thương. Tuy nhiên, trong viêm khớp dạng thấp (RA), viêm trở thành mạn tính hoặc kéo dài, gây ra đau đớn cho người bệnh.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, chất chống oxy hóa có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng RA. Trà xanh được cho là có công dụng ngăn ngừa và điều trị RA do có chứa chất chống oxy hóa catechin. Catechin giúp ngăn ngừa quá trình viêm nhiễm ở trà xanh có hai loại là epigallocatechin-3-gallate (EGCG) và epicatechin-3-gallate (ECG). Trong đó EGCG có khả năng chống oxy hóa tốt hơn so với vitamin C và E, chiếm khoảng 59% tổng số catechin trong trà xanh.
Cơ chế giảm tác động RA của trà xanh
RA liên quan đến tình trạng viêm dẫn đến tổn thương lớp niêm mạc hay còn gọi là bao hoạt dịch. Trong bao hoạt dịch là một loại tế bào được gọi là nguyên bào sợi. Với những người bệnh RA, các nguyên bào sợi hoạt dịch được sản xuất ở mức độ cao gây phá hủy sụn xung quanh khớp, gây ra đau và sưng viêm. Các catechin trong trà xanh có thể làm chậm các quá trình viêm này.
Trà xanh chứa các catechins giúp ngăn ngừa quá trình viêm nhiễm, giảm triệu chứng của RA.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên chuột và thu được kết quả: trà xanh làm giảm đáng kể mức TNFα và IL-1ß và hoạt động của một số thụ thể chemokine trong khớp. Cả EGCG và ECG đều ức chế hoạt động của IL-1ß, nhưng EGCG hiệu quả hơn. Trà xanh có thể hỗ trợ các chức năng trao đổi chất có về mức bình thường trong bệnh viêm khớp.
Một nghiên cứu khác được thực hiện với quy mô lớn vào năm 2020 đã xác minh lợi ích của việc dung nạp chè xanh và chè đen đối với người bệnh viêm khớp dạng thấp. Trong số 700 người tham gia nghiên cứu, những người uống nhiều trà ít có xu hướng tiến triển RA hơn những người uống ít hoặc không uống. Tác động này thể hiện rõ hơn ở phụ nữ, những người không hút thuốc và ở độ tuổi trên 60.
Liều lượng và cách dùng
Nghiên cứu cho thấy liều sử dụng trà xanh từ 800 mg/ngày có thể an toàn nhưng đôi khi có thể xảy ra các tác dụng phụ. Chiết xuất trà xanh có thể hiệu quả hơn khi uống lúc đói. Rất khó để xác định lượng catechin cụ thể mà cơ thể nhận được từ trà. Túi trà lọc sẵn không có nhiều lượng catechin như chế biến trực tiếp từ lá trà tươi. Khi pha trà, nên sử dụng nước sôi và không ngâm quá lâu.
Tuy nhiên, các tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng trà xanh liều lượng rất cao. Đó là do trong trà xanh có chứa caffeine và các tác dụng phụ cũng chủ yếu từ chất này, bao gồm: lo lắng, hồi hộp, cáu gắt, khó ngủ… Tuy nhiên, trà xanh ít gây ra các triệu chứng này hơn các loại đồ uống có chứa caffeine khác.
Nếu đang mang thai, có kế hoạch mang thai hoặc đang cho con bú, hãy nói chuyện với bác sĩ sản khoa trước khi sử dụng trà xanh. Bên cạnh đó, hợp chất axit tannic trong trà xanh có thể làm ố răng.
Trà xanh cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các loại thuốc khác như giảm tác động của thuốc điều trị huyết áp và bệnh tim, làm loãng máu do hàm lượng vitamin K trong trà. Không nên kết hợp trà xanh với các chất kích thích khác.
Mặc dù trà xanh có thể giúp ngăn ngừa và giảm triệu chứng của viêm khớp dạng thấp, không nên sử dụng để thay cho các loại thuốc điều trị thông thường. Theo dõi các tác dụng phụ và tương tác thuốc nào của trà xanh có thể xảy ra trong khi sử dụng.
Bảo Bảo,
Theo Very Well Health.